Trang đầu Diễn tiến vụ án Danh sách 21 kháng chiến quân bị nạn

Phản ứng của dư luận

Ngay sau khi tin tức về phiên xử được các hãng thông tấn truyền đi, các cộng đồng người Việt, các cơ quan ngôn luận và chính giới Pháp đã phản ứng mạnh mẽ, phần lớn đòi hỏi nhà cầm quyền cộng sản tôn trọng các quyền tự do căn bản của con người và kêu gọi các chính phủ tự do trên thế giới can thiệp cho những người bị xử.
   

14 hội đoàn thanh niên sinh viên tại Đan Mạch, Đức, Thụy Sĩ, Bỉ và Pháp (ở Paris cũng như ở các thành phố lớn khác) đã cùng phổ biến một bản Thông Cáo Báo Chí với nội dung tố giác sự nghiệt ngã của chế độ cộng sản tại Việt Nam, xác nhận quyền đấu tranh cho tự do và nhân phẩm của nhân dân Việt Nam đồng thời quả quyết các phiên tòa bịp bợm không sao làm khiếp sợ những nhà yêu nước chân chính. Các hội đoàn Âu Châu đòi hỏi những người bị bắt phải được xử theo những nguyên tắc căn bản của một nền công lý đúng danh nghĩa và kêu gọi thế giới tự do can thiệp để các vi phạm nhân quyền trắng trợn chấm dứt tại Việt Nam.

Các hoạt động phản kháng Hà Nội bừng lên mãnh liệt khi cuộc xử chấm dứt với 5 bản án tử hình được tuyên đọc vào ngày 18 tháng 12, 1984. Ngay ngày hôm sau, một loạt thư và điện văn yêu cầu can thiệp đã được các hội đoàn gởi đến chính giới ngoại quốc. Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris, hội đoàn trước kia của Trần Văn Bá, đã viết thư cũng như vận động đồng bào viết cho Đức Giáo Hoàng và các nhân vật quan trọng trong chính giới Pháp như các đương kim hoặc cựu tổng thống Mitterrand và Giscard d'Estaing, các chủ tịch lưỡng viện Quốc Hội, các vị lãnh đạo các đảng phái lớn. Ông Giscard d'Estaing cho biết ông sẽ dùng mọi ảnh hưởng có được để can thiệp, các ông Louis Mermaz, chủ tịch Hạ Viện, Pierre Messmer, cựu thủ tướng, Jacques Chirac, cựu thủ tướng và đô trưởng Paris, Lionel Jospin, đệ nhất bí thư đảng Xã Hội, Kosciuko Morizet, tổng thư ký đảng RPR cũng thông báo đã can thiệp với chính quyền hoặc sứ quán cộng sản. Các nhà văn, ký giả Pháp như Pierre Beylau, Claudie Broyelle, Olivier Todd, Jean Lacouture, Patrick Sabatier, không ngớt đưa lên mặt báo những bài bình luận hoặc lời nhận xét chỉ trích hành động của Hà Nội.

Một Ủy Ban tranh đấu cho những người bị kết án tại Việt Nam được thành lập với sự tham dự của nhiều khuôn mặt nổi bật tại Pháp, Bỉ, Anh Quốc, Gia Nã Đại, Hoa Kỳ hay Thụy Sĩ. Ủy Ban này đặt dưới sự phối hợp của ông Trần Văn Tòng, bào huynh Trần Văn Bá và được hai luật sư danh tiếng Thierry Lévy và Gilbert Collard giúp đỡ trên phương diện pháp lý.

Ngày 21 tháng 12, 1984, hơn một ngàn người vừa Việt vừa Pháp tụ hội trước sứ quán Việt cộng ở quận 16 để trương biểu ngữ biểu tình trong suốt mấy tiếng đồng hồ. Ngày 24 tháng 12, một Lễ Câu An cho 21 kháng chiến quân bị nạn được tổ chức tại nhà thờ Đức Bà Paris. Bãi bỏ các bữa ăn gia đình của đêm Giáng Sinh, hơn 500 người đã đứng chờ đợi hàng giờ trong im lặng trước khi vào trong thánh đường cùng cầu nguyện cho những người bị án.

  Ngày 29 tháng 12, một cuộc biểu tình và cầu an được Ủy Ban Hạnh, Bá và các chiến hữu tổ chức tại công trường Trocadéro với sự tham dự của hơn 2.000 người. Cuộc tổ chức được đặt dưới sự đỡ đầu tinh thần của các vị lãnh đạo Phật giáo, Công giáo, Cao Đài và Hòa Hảo.  
 
 
Trang đầu Diễn tiến vụ án Danh sách 21 kháng chiến quân bị nạn