Xin bấm vào đây đễ ghi

 

Victims of Communism Memorial Foundation trao tặng

Huy chương Tự Do Truman-Reagan cho anh hùng Trần Văn Bá

ngày 15 tháng 11 năm 2007 tai tòa đại sứ Hung Gia Lợi, Washington.DC, USA

Hơn 22 năm sau ngày Trần Văn Bá đền nợ nước, một huy chương tự do cao quý mang tên của hai vị Tổng Thống nổi tiếng chống cộng của Hoa Kỳ: TT Truman và TT Reagan, huy chương  từng trao tặng cho những nhà tranh đấu chống cộng sản trên thế giới như Lech Walesa, Vaclav Havel, Đức Giáo Hoàng John Paul II, TNS Joe Lieberman, William Buckley Jr., Elena Bonner, sẽ được Chủ Tịch VOCMF trao tặng cho Trần Văn Bá để vinh danh tấm gương kiên cường của anh

 

Bài phát biểu của ông Trần văn Tòng ngày 15-11-2007 tại Washington DC

Xin bấm vào đây : bản Pháp văn, bản Anh văn

Ban biên tập “tranvanba.org” có nhận được nhiều bản dich qua việt ngữ bài phát biểu của ông Trần văn Tòng hôm 15 tháng 11 năm 2007 tại Tòa Đại Sứ Hung Gia Lợi tại Hoa Thinh Đốn, do nhiều bạn hữu đề nghi.

Chúng tôi xin đăng bài sau đây của dịch giả Tuyền Ngư :

LỜI CỦA NGƯỜI DỊCH

Ngày 15 tháng 11 năm 2007 ông Trần Văn Tòng đã có lời phát biểu bằng tiếng Anh, khi nhận lãnh huân chương tự do Truman-Reagan cho Trần Văn Bá, tại toà đại sứ Hung Gia Lợi ở Hoa Thịnh Đốn.

Sau đây là bản dịch của bài phát biểu đó, dựa trên toàn văn của hai bản tiếng tiếng Anh và tiếng Pháp được đăng trên website tranvanba.org.

Dịch giả đã thêm tựa đề cho các đoạn bài, đánh nghiêng và tô đậm một số câu để ghi nhận những ý tưởng trọng yếu của diễn giả.

 

                                                             TUYỀN NGƯ

__________________________________________________

 

Tôi xin cảm tạ quý vị. Thật là một vinh dự lớn cho tôi có mặt ở đây, hôm nay, để nhận lãnh giải thưởng này cho Trần Văn Bá.

 

Kính thưa ông chủ tịch,

Kính thưa ông đại sứ,

Kính thưa quý vị nghị sĩ,

Kính thưa quý vị quan khách,

 

Khi vinh niệm Trần Văn Bá, Sáng Hội đã mặc nhiên đưa Việt Nam trở về với các giá trị mà quí hội bảo trì, cùng với bổn phận đối với lịch sử mà quý hội đảm đương.

Những nhân vật lẫy lừng đã được quý Hội vinh danh trong quá khứ, là những tấm gương sáng chói của lịch sử cận đại.

Do đó, khi nhận lãnh vinh dự cho người em quá cố, tôi ý thức được rằng giải thưởng này vượt lên hẳn công trạng của một cá nhân.

Vì thế, để tỏ lòng tri ân và trong tinh thần thân hữu, tôi xin cố gắng nói rõ, một cách đơn giản nhất, Trần Văn Bá đã cưu mang thế nào cuộc chiến này và đã góp phần ra sao.

Bá đã đi vào cuộc chiến vì 3 động cơ rất giản dị: lý lịch, trách nhiệm, và hành động.

 

TRƯỚC NHẤT LÀ LÝ LỊCH

Bá là người Việt, chính xác là người miền Nam nước Việt. Lý lịch tinh thần chứ không chỉ về mặt địa dư.

Quý vị đều biết, làm người miền Nam nước Việt, lúc Bá sinh tiền, là một điều rất khó, vì người miền Nam bị phân xẻ bởi những nghịch cảnh sau đây :

--Trước tháng 4 năm 1975, tức là trước khi Sàigòn thất thủ, bị bộ máy tuyên truyền tinh vi của Cộng Sản mô tả là một loại “ngụy” tay sai của  “đế quốc Mỹ”, đồng thời ở chính tại xứ sở mình, phải hứng chịu cuộc chiến sách động khủng bố đẫm máu của cộng sản.

--Sau tháng 4 năm 1975, cũng cái bộ máy tuyên truyền đó quy là một loại trưởng giả ăn bám, một bọn nuối tiếc chế độ miền Nam cũ, không bảo vệ nổi tự do cho chính mình. Ở trong xứ, lại bị kẻ chiến thắng miền Bắc trả thù thâm hận.

 

Bá đã cảm nhận tận xương tủy số phận người miền Nam đó.

Lúc thiếu thời thì chứng kiến cha bị ám sát dã man khi ông đang dốc toàn lực để thiết lập hiến pháp cho Việt Nam Cộng Hòa.

Khi là sinh viên ở Ba Lê, Bá đã phải thường xuyên đối diện với hàng loạt biểu tình tung hô khẩu hiệu : “Hòa bình cho Việt Nam, đả đảo đế quốc, Mỹ hãy cút đi ”

Bá đã đảm đương khẳng khái lý lịch miền Nam của mình.

Bá khẳng định mình là con dân của quốc gia ấy, một quốc gia rất giàu về mặt nhân dân nhưng rất nghèo về mặt lãnh tụ. Với nhiệt tình và kiêu hãnh. Không phải vì chối bỏ người khác, mà là vì lòng thương yêu người cùng nguồn cội, đặc biệt những người đang sống trong tuyệt vọng. Không phải vì đầu óc địa phương hay bè phái, mà là với ý thức bén nhạy về vai trò lịch sử Miền Nam phải đảm đương.

Bá ý thức rằng, trong quá trình ngàn năm dai dẳng mưu tìm tự do và tiến bộ của dân tộc, Miền Nam nay đã hiển nhiên trở thành nơi trú ẩn tối hậu của dân tộc Việt, trước làn sóng xâm lăng uy hiếp của chủ nghĩa cộng sản toàn trị.

Bá tin tưởng chỉ có một miền Nam tự do mới có thể tạo căn bản và điều kiện cần thiết cho dân tộc Việt khắc phục một thách thức chưa từng được đặt ra cho bất cứ dân tộc nào trong lịch sử: kết hợp nhuần nhuyễn các ảnh hưởng đa dạng, vừa tác động trực tiếp lên quốc gia mình, vứa đối chọi lẫn nhau, của những nền văn minh lớn nhất nhân loại : Tàu, Ấn, Âu và Mỹ, để rồi từ đó thống nhất dân tộc và bước vào thế giới hiện đại như một quốc gia tự do và phú cường.

Bá cũng đã thấy rõ: trong thời điểm bấy giờ, tự do của nhiều dân tộc khác tùy thuộc vào sự kháng cự của dân miền Nam chống lại chính sách bành trướng của cộng sản.

 

Do đó, đối với Bá, tranh đấu cho miền Nam tự do là một chính nghĩa công minh và cao quý, và tất cả những ai đã dấn thân cho lý tưởng đó đều đáng được tri ân và tôn vinh, đặc biệt 58 000 quân nhân Mỹ đã bỏ mình vì chính nghĩa.

 

KẾ ĐẾN LÀ TRÁCH NHIỆM

Đảm đương lý lịch miền Nam, Bá đã khẳng khái nhìn nhận trách nhiệm của người Việt trong cái quốc nạn của mình.

Bá không thể chấp nhận cái thái độ tự xưng mình là người Việt tự do nhưng lại phủ nhận mọi trách nhiệm của người Việt trong sự sụp đổ của miền Nam.

Sau khi Việt Nam Cộng Hòa thất thủ, ta đã nghe biết bao lời cáo buộc hằn học về trách nhiệm của thảm họa nầy.

Có biết bao lời luận bàn về sự “ phản bội của người Mỹ ” và luôn cả trách nhiệm từ đầu của thực dân Pháp.

Tuy vẫn suy ngẫm về chính sách của các đại cường, Bá luôn bị ám ảnh bởi những thiếu sót của chính người Việt và những bài học cần phải rút tỉa từ đó.  Đối với Bá, một dân tộc hoài vọng cuộc phục sinh không thể không làm cố gắng sơ đẳng này trước lịch sử và cho chính mình.

Chính vì đảm đương cái lý lịch miền Nam, và cái trách nhiệm bắt nguồn từ đó, nên Bá, cùng một vài đồng chí, đã đứng lên, đơn độc, không lấy một cường quốc trợ giúp sau lưng, giữa điêu tàn, trong tuyệt vọng, ngược dòng tháo chạy tán loạn. Bá lớn tiếng tuyên bố : “ Ta còn sống đây. Ta chưa mất hết. Ta có thể tạo dựng lại tất cả. Tự Do có thể được phục hồi, Công Lý có thể thắng Cường Bạo.  Với một điều kiện : ta phải chấp nhận trả cái giá cần thiết.”

Bá xót xa nhìn xứ sở bị dày xéo bởi cái sách lược đàn áp của cộng sản. Mọi người đều biết rõ các sự kiện và con số:

100 000 người bị thủ tiêu, 300 000 người bỏ mạng trong các trại cải tạo, 600 000 thuyền nhân bị chết chìm hay bị hải tặc sát hại, cả một thế hệ đã bị đem làm vật tế thần cho chính sách bành trướng quân sự qua Căm Bô Chia.

Bá cảm thấy rằng trước ý đồ man rợ lăng nhục con người như thế, nếu chỉ đối phó lại bằng ước vọng và tinh thần mà thôi, thì hoàn toàn vô hiệu lực.

Lúc bị lưu đày tại đảo Sainte Hélène, Nả Phá Luân đã bật tiếng kêu lên : “Chỉ có hai quyền lực ở cõi đời này, tinh thần và đao kiếm. Và trên đường dài, tinh thần luôn luôn chiến thắng đao kiếm.”

Nả Phá Luân đã lầm lẫn (một lần nữa!). Tinh thần một mình không thể đối địch lại với đao kiếm. Tinh thần cần phải được liên kết với đao kiếm nếu muốn khắc phục cái loại đao kiếm chỉ được tuốt ra với mục tiêu hủy diệt.

 

SAU CÙNG LÀ HÀNH ĐỘNG

Bá ý thức rằng muốn bảo vệ cuộc sống và tự do con người, ta phải chấp nhận đi vào chiến tranh. Vâng, phải đi vào chiến tranh để chống lại nguồn gốc của chiến tranh. Độc tài thống trị của cộng sản ở Việt Nam là nguồn gốc chiến tranh. Sự trả thù và lòng thâm hận của cộng sản Hà Nội đối với nhân dân miền Nam là nguồn gốc của chiến tranh. Sách lược bành trướng quân sự điên rồ sang Căm Bô Chia và Lào là nguồn gốc của chiến tranh.

Và như thế, Bá đã quyết định cầm súng.

Bá đã trả cái giá.

Cái giá đó, trong trường hợp của Bá, là một phiên tòa bịp bợm và một đội hành quyết.

Bá đã đi vào cuộc chiến với một  ý niệm cao cả về phẩm giá con người. Và sau cùng, chính ở điểm này, Bá đã bồi đắp cho đất nước và cho những giá trị phổ quát, trái hẳn với lũ người được hận thù nhào nặn để lùa vào chiến tranh. Quân cộng sản Bắc Việt rốt cuộc cũng đã khám phá ra điểm khác biệt đó. Vào “giải phóng” Miền Nam, lắm kẻ đã bật khóc khi tiến chiếm Sàigòn : “đây chính là những người văn mình, và chúng ta ngoài Bắc, đúng là phường man rợ.”

 

TƯƠNG LAI CỦA VIỆT NAM

Tương lai của Việt Nam hiện vẫn bỏ ngỏ .

Điều chắc chắn là chế độ hiện hành với cái trật tự không tưởng và đầy mâu thuẫn của nó, tất yếu sẽ sụp đổ trong một thời hạn ngắn hay dài tùy theo những khúc mắc của các quyền lợi nội tại và ngoại lai, tuỳ theo sự ù lì và lụn bại của con người, tùy theo cái óc phù phiếm, cái tính thờ ơ và an phận của dân gian. Nhưng, cho dù có kéo dài đến đâu đi nữa, nó cũng không đủ thời gian để bám rể thâm sâu trên quê hương của chúng tôi.

Một điều chắc chắn khác: là quốc gia duy nhất trong lịch sử loài người, đã xây dựng quốc tịch của mình trên hai ý tưởng thuần tự do và công lý, Hoa Kỳ sẽ chối bõ lý lịch và phản lại quyền lợi sâu xa của mình, nếu Hoa Kỳ trợ giúp, dưới bất cứ hình thức nào, việc bảo trì một chế độ tiếm quyền và độc tài ở Việt Nam, bằng cách nuôi dưỡng những ảo tưởng của chủ thuyết thô lậu do Bismarck hay Richelieu khởi sinh, cái gọi là thuyết “Chính trị thực tế ”. Nếu làm như thế, Hoa Kỳ sẽ mất đi căn bản biện minh cho cuộc tranh đấu bảo vệ các giá trị và nền an ninh của mình, đồng thời cũng sẽ mất luôn những bạn hữu và chiến hữu kiên trì nhất.

Điều chắc chắn sau cùng: hiện nay tại Việt Nam cũng như khắp toàn cầu, vẫn có nhiều người tiếp tục tranh đấu cho tự do và sự thật, thường khi trong cô đơn, trong sự thờ ơ của thế giới. Và họ sẵn sàng, nếu cần, đón nhận thanh thản cái chết cho lý tưởng. Đó là những người ta phải yểm trợ, cho dù họ ở bất cứ nơi nào, và nhất là ở những nơi họ đang hy sinh. Dù thế nào chăng nữa, tôi cũng xin, với sự đồng thuận của quý Hội, chuyển nhượng cho những chiến sĩ ấy, và cho những người đã từng chia sẻ cuộc đấu tranh của Trần Văn Bá nhưng không hề nhận lãnh một ân thưởng nào, cái vinh dự mà quý Hội vừa ban cho người em quá cố của tôi.

 

KẾT LUẬN

Đến đây, tôi xin được phép kết luận với một vài điểm riêng tư:

Tôi tin chắc rằng Trần Văn Bá muốn thấy một phụ nữ thay thế tôi để nhận lãnh cái vinh dự được quý hội ban cho chiều nay.

Phụ nữ nầy, cách đây 23 năm, vào một buổi chiều Đông băng giá nhất của nước Pháp, đã đứng thẳng người trước sứ quán Hà Nội tại Ba Lê với một biểu ngữ ghi vỏn vẹn mấy chữ: “hãy cứu con tôi. ”

18 năm trước đó, bà đã chôn người chồng bị ám sát bằng súng giữa thanh thiên bạch nhật, khi ông sắp sửa ra tranh cử Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa.

Phụ nữ đó, cho đến khi nhắm mắt, vẫn khắc khoải chờ nhận xác con trai của mình.

Phụ nữ đó, chắc chắn có thể kể cho quý vị nghe, với tất cả lòng nhân ái, thế nào là thân phận người đàn bà miền Nam trong cơn lốc của lịch sử cận đại. Bà có thể kể cho quý vị nghe về Trần Văn Bá, và về những con người, qua bao thế hệ, đã dốc lòng tái tạo nước Việt Nam. 

Bà thừa biết, trong quãng đời mình, bà không thể tái tạo nước Việt. Nhưng phần việc của bà có lẽ còn nặng nhọc và cao cả hơn nữa. Đó là việc gìn giữ một nước Việt Nam khác đừng bị tàn phá. Một đất nước Việt Nam mà trong đó, người còn biết thương yêu người.

Tôi tin chắc rằng phụ nữ ấy sẽ đứng thoải mái ở đây, tại quốc gia nầy, một quốc gia mà một trong những vị tổng thống lỗi lạc nhất của nó, Franklin Roosevelt, đã huấn thị năm 1938: “Nếu ở một quốc gia khác, những giá trị vĩnh cửu của quá khứ bị đe dọa, không được bao dung, chúng ta có bổn phận phải cung cấp, trên lãnh thổ chúng ta, nơi trú ẩn để các giá trị đó được trường tồn.

Và thưa ông Đại Sứ, tôi cũng tin chắc rẳng, phụ nữ ấy sẽ đứng ở đây, trong niềm hân hoan và thân mật, trên mảnh đất nầy của nước Hung Gia Lợi, nước Hung Gia Lợi quả cảm, cùng chung số phận với Việt Nam trên rất nhiều mặt.  Đất nước Hung Gia Lợi bất khuất của quý vị, đã đem lại cho thế giới một bài học cao quý về tự do và can đảm qua cuộc nổi dạy năm 1956 chống lại quân áp bức.

Phụ nữ ấy là mẹ của Trần Văn Bá, nguoi mẹ quá cố của chúng tôi.

Xin cám ơn quý vị đã kiên nhẫn lắng nghe.  

 

 

TUYỀN NGƯ chuyễn dịch

 

xem phần VIDEO 1

Thơ mờithơ trả lời,.

Rohrabacher, Horvath, Tran van Ba Will Receive 2007 Truman-Reagan Medal Of Freedom at the Embassy of Hungary Nov. 15