Thường Kiến nói chuyện với Trần Văn Tòng

Chúng tôi đăng tải, trong nhiều kỳ, loạt bài nói chuyện giữa anh Trần Văn Tòng và học giả Thường Kiến, về Việt Nam. Một số vấn đề đã được đề cập đến trong bài phỏng vấn anh Trần Văn Tòng của Tập San Y Sĩ Canada năm 1995. Tuy thời gian trôi qua đã lâu, nhưng những quan điểm được trình bày lúc đó, theo chúng tôi, vẫn mang tính thời sự, trên nhiều bình diện. Để tiện cho việc thẩm định các nan đề và phân tích đưọc khai triển trong 2 bài nói chuyện, chúng tôi xin đăng lại bài phỏng vấn năm 1995. Chúng tôi xin cám ơn bác sĩ Phạm Hữu Trác và Tập San Y Sĩ đã cho phép đăng lại bài phỏng vấn nầy.

Ban Biên Tập

Thường Kiến : Trong hơn 10 năm qua, Việt Nam đã thay đổi trên rất nhiều mặt, đặc biệt trong những lãnh vực mà anh đã có dịp phân tích và thẩm định trong bài phỏng vấn đăng trong Tập San Y Sĩ năm 1995. Nếu tôi không lầm thì anh không có phát biểu công khai về các biến chuyển nầy trong mấy năm vừa qua…

Trần Văn Tòng : Phát biểu để phát biểu, hay tuyên bố để tuyên bố không phải là sở trường của tôi, cũng không phải là điều tôi đặc biệt ham mê.

TK : Như thế có phải hiểu là anh cho những biến chuyển trên vấn đề Việt Nam từ hơn 10 năm qua không có gì quan trọng, hoặc giả những phân tích và nhận định của anh vẫn hiệu nghiệm trong suốt thời gian qua, hay anh đã tiên liệu những biến chuyển hơn 10 năm trước !

Tôi không ngông cuồng đến thế ! Các chuyên gia về dự báo, các nhà kinh tế và thống kê, ít ra những người ý thức rõ ràng giới hạn của tin liệu, phương pháp và công cụ họ sử dụng hiện nay, thường hay tự chế nhạo là họ giỏi tiên liệu … quá khứ hơn tương lai ! Tôi cũng không phải là môn đồ của trạng Trình hay Nostradamus, không biết bói toán, coi tử vi hay tướng số!
Trong căn bản, tôi không thấy có gì quan trọng phải thay đổi trong những quan điểm tôi đã đưa ra trong bài phỏng vấn với Tập San Y Sĩ. Tuy nhiên có 2 điểm cần được cập nhật :
- trước nhất con số 50 triệu nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản mà tôi trích dẫn từ quyển sách của Zbignew Brzezinski “the Grand failure”. Đó là trước khi quyển “Hồ sơ đen của chủ nghĩa cộng sản” ( Le livre noir du communisme) được xuất bản ở Pháp, ước tính con số này lên đến 100 triệu. Trong trường hợp Việt Nam, con số nạn nhân của cộng sản chắc chắn cần phải được duyệt lại. Trên hơn 800 trang của “Hồ sơ đen” chỉ có không tới 10 trang nói về trường hợp Việt Nam !
- điểm thứ 2 cần phải được cập nhật, hay đúng hơn cần phải được bổ xung là vấn đề liên hệ giữa “dân chủ” và “phát triển”. Từ hơn 10 năm qua, công trình nghiên cứu kinh tế vĩ mô về nhân tố chánh trị của quá trình tăng trưởng có nhiều tiến triển, đặc biệt qua chương trình nghiên cứu (2004) của Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OCDE hay OECD) dưới sự điều khiển của Silvio Borner, Frank Bodmer, Markus Kobler. Chúng ta có thể đi vào chi tiết của nan đề nầy nếu anh muốn.
Nhưng tôi xin hỏi : những biến chuyển trong hơn 10 năm qua mà anh cho là quan trọng là những biến chuyển nào ?

TK : Để nêu vài sự kiện trong những lãnh vực mà anh đã có dịp đề cập đến : từ hơn 10 năm qua kinh tế Việt Năm tăng trưởng với một tỷ số cao bậc nhất thế giới, bình quân hơn 7%, và dưới sự lãnh đạo của một chế độ cộng sản. Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) trong nhiều báo cáo, đề cao Việt Nam như một tấm gương phát triển thành công. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ồ ạt đổ vào Việt Nam, nay đã là thành viên của tổ chức Thương Mại Quốc Tế (WTO), của diễn đàn APEC, của hiệp hội ASEAN ..
Mặt khác chính phủ Hà Nội cũng đã triển khai một chính sách … năng động đối với cộng đồng người Việt hải ngoại, mời mọc trí thức, chuyên gia, doanh nhân Việt Nam sống ở nước ngoài về hợp tác. Vừa rồi một hội nghị Việt kiều thế giới được tổ chức tại Hà Nội, 20-24 tháng 11 năm 2009.
Ở một bình diện khác, vấn đề tranh chấp ở biển Đông, đặc biệt giữa Trung quốc và Việt Nam về Hoàng Sa và Trường Sa, đã đánh động người Việt trong và ngoài nước về hiểm họa lấn chiếm lãnh thồ…
Những vấn đề như thế anh không cho là quan trọng ư ?

Có lẽ tôi không chia sẻ hoàn toàn cảm nhận của anh về bức thang quan trọng của các vấn đề.

- Về “thành tựu kinh tế của Việt Nam", ít ra về mặt tăng trưởng , không có gì phải ngạc nhiên hay phải hồ hởi.
Như tôi đã có dịp lưu ý, khi ta bước từ cái trạng thái “ bát canh toàn quốc, nước chấm đại dương” của thập niên bần cùng ở Việt Nam, 1975-1985, qua 2 thập niên kế tiếp của giai đoạn gọi là đổi mới, trong đó vì lẽ sinh tồn, chế độ phải nới rộng hệ thống kềm kẹp, thì mạch sống con người tự động được khơi nguồn. Và với một “nguyên liệu” tốt là con người Việt Nam cần cù, siêng năng, sáng trí thì chắc chắn kinh tế phải khởi sắc và tăng trưởng mạnh.
Nếu muốn đánh giá đúng mức thành tựu của chế độ cộng sản thì ta nên so sánh thành tựu của cái “nguyên liệu” Việt Nam khi nó di tản ra ngoại quốc (nay “nguyên liệu” đó lên đến khoảng 3 triệu người) với thành quả kinh tế của nước Việt Nam cộng sản. Không cần phải lý thuyết dài dòng : 3 triệu người Việt hải ngoại có thu nhập đầu người khoảng 30 000 dollars một năm (theo sức mua tương đương) 10 lần cao hơn thu nhập đầu người ở Việt Nam (2800 dollars theo sức mua tương đương) và mỗi năm gởi về nước 6-7 tỷ dollars cao hơn thâm hụt (bội chi) ngân sách của nhà nước Việt Nam. Nhìn dưới gốc độ đó ta có thể nói là người Việt hải ngoại tài trợ một phần không nhỏ hoạt động của nhà nước cộng sản Việt Nam.
Trong thời kỳ từ 1993-2006, theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tệ (IMF), kinh tế Việt Nam được mở rộng (tỷ lệ xuất khẩu + nhập khẩu trên Tổng sản lượng quốc gia được nhân cho 2) và tăng trưởng trung bình mỗi năm là 7,5%. Trong 20 năm 1988-2008 vốn đầu tư trực tiếp ngoại quốc (FDI) vào Việt Nam lên đến 98 tỷ dollars. Tôi cũng có đọc mấy báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới ca ngợi gương thành công Việt Nam. Cũng là chuyện bình thường thôi. Vì một cơ quan như Ngân Hàng Thế Giới vẫn cần ngoại giao khuyến khích các nước sử dụng hữu hiệu hơn tiền cho vay. Nhưng thực tế rất ngoan cố. Cũng chính cái Ngân Hàng Thế Giới đó trong “báo cáo phát triển 2009” lưu ý là về thu nhập cá nhân, Việt Nam cần 51 năm mới bắt kịp Nam Dương, 95 năm mới bắt kịp Thái Lan và 158 năm mới bắt kịp Singapore !

- Một điểm quan trọng khác là giá trị của những số liệu và thống kê của chánh quyền Hà Nội. David Dapice người điều khiển chương trình Vietnam của Đại học Harvard và chương trình kinh tế Fulbright ở Việt Nam, tuyên bố với báo International Herald Tribune ngày 11 tháng 3, 2004 : “ Cả hệ thống thống kê Việt Nam có vấn đề không ổn. Năm 2003, số lượng nhập khẩu dầu thô của Việt Nam giảm sụt và tôi không thấy làm thế nào một nền kinh tế có thể tăng trưởng 7.5% với số lượng dầu thô giảm sụt (dầu thô là một trong những nguyên liệu chủ yếu của quá trình tăng trưởng). Theo chánh phủ Việt Nam, trong thời kỳ 1998-2002 tăng trưởng kinh tế hàng năm là 6%, nhưng theo Ngân Hàng Phát Triển Á châu chỉ là 5.5% và theo Qũy Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) dưới 5%”. Cũng xin nhắc lại là sau khi khối Liên Xô sụp đổ, một Ủy Ban Điều Tra của Hạ Viện Hoa Kỳ cho biết là Cơ Quan Trung Ương Tình Báo (CIA) có xu hướng luôn luôn đánh giá quá cao nền kinh tế của Liên Xô trên căn bản những thống kê của khối cộng sản.

- Về vấn đề hội nghị Việt kiều ở Hà Nội v.v. và chánh sách của chánh quyền cộng sản đối với cộng đồng hải ngoại, điều ngạc nhiên là lắm người ngạc nhiên về cái chánh sách ấy và cái Nghị quyết 36 của Hà Nội.
Do kiến trúc, một chánh quyền cộng sản phải kiểm soát và triệt hạ mọi lực lượng chánh trị hay mọi phong trào hoặc cá nhân có khả năng trở thành một lực lượng chánh trị. Tùy lúc, tùy đối tượng, tùy bối cảnh, chánh sách đó có thể được khai triển dưới hình thức Nghị Quyết, tuyên bố, Hội nghị hay được triển khai âm thầm trong bóng tối …. Bên cạnh cái Hội Nghị Việt Kiều mà anh cho là một biến chuyễn quan trọng, tôi thấy có một vấn đề có ý nghĩa hơn và quan trọng hơn cần được đề cập đến một cách nghiêm chỉnh : đó là các phong trào đối kháng trong nước.

- Về Hoàng Sa và Trường Sa, dĩ nhiên đây là một vấn đề nhạy cảm đối với người Việt vì lịch sử đầy biến động của quan hệ Việt-Trung. Và dĩ nhiên đó là một đề tài rất "ăn khách" cho các buổi mít tinh v.v. Nhưng theo tôi đó không phải là nguy cơ lớn nhất đối vơi dân ta hiện nay.

TK : Anh muốn nói là Hoàng Sa và Trường Sa không phải là hăm dọa, là nguy cơ hàng đầu của Việt Nam hiện nay à ?

Dựa trên tương quan lực lượng và quyền lợi của các Đại cường liên hệ đến vấn đề, thì đây chỉ là loại ngoại thương mà thôi mặc dù nó gây ra nhiều xúc cảm trong tâm lý và tâm trí của người Việt. Dĩ nhiên ta phải bảo vệ quyền lợi của dân ta ở biển Đông cũng như ở tất cả các nơi khác. Nhưng Việt Nam hiện bị một nội thương vô hình nhưng nguy ngập hơn vạn lần những hăm dọa lấn chiếm lãnh hải trên biển Đông, một loại ung thư máu đấy.

TK : Nội thương đó là gì và nguy cơ là như thế nào ?

Vấn đề cần phải được đề cặp một cách nghiêm túc và chính xác.
Nhưng trước hết ta phải đặt các biến chuyễn mà anh cho là quan trọng trở lại trong bối cảnh lịch sử cận đại của nước ta và của thế giới.
Xin nhắc lại, từ năm 1975, như một thực thể, Việt Nam đã phải chịu 4 chấn động :
- thứ nhất là chấn động của sự cưởng chiếm Miền Nam. Chánh sách mà chế độ Hà Nội thực thi đã gây ra nhiều xáo trộn nghiệm trọng trong xã hội Việt Nam và đưa đến một cuộc di tản chưa từng thấy ở nước ta và sự hình thành của một cộng đồng hải ngoại nay lên đến khoảng 3 triệu người. Hà Nội vẫn chưa tiêu hóa vấn đề này với một chánh sách sách động vá viếu và củ mòn. Những hội nghị Việt kiều, nghị quyết 36 v.v. là dư âm của cái chấn động đó.
- Thứ hai là sự sụp đổ toàn bộ của khối Liên Xô. Hà Nội đã làm một tính toán chiến lược sai lầm khi lựa chọn tùng phục Mạc Tư Khoa tức chống lại và vây hảm Bắc Kinh. Kết quả là chiến tranh Việt Trung năm 1979. Và sự sụp đổ của Liên Xô đã đặt cộng sản Việt Nam vào cái thế “chim độc đậu cành cây” trên mọi mặt : ý hệ, kinh tế, chiến lược, chánh tri. Những biến động trong quan hệ Việt Trung cho đến nay là hệ quả của sự tính toán ngớ ngẩn ấy.
- Thứ ba là chấn động dân số. Dân số nước ta đã tăng từ 50 triệu năm 1975 đến hơn 86 triệu hiện nay, gần như nhân đôi với những hệ quả và đòi hỏi gay gắt về mặt cân bằng xã hội và kinh tế. Trong thời kỳ 1975-1990, dân số đi lên và kinh tế đi xuống. Rất mạnh.
- Và sau cùng là hiện tượng toàn cầu hóa kinh tế tác động bởi quá trình nối kết xuyên biên giới của 3 thị trường hàng hóa, tài chánh và lao động. Với một nền kinh tế mở toan như hiện nay - xuất khẩu lên đến 77% GDP (Tổng sản lượng quốc gia) và nhập khẩu 90% GDP vào năm 2007 - đời sống hàng ngày và vận mạng của nhân dân Việt Nam tùy thuộc ngày càng nặng nề vào những quyết định của các quốc gia khác và những biến chuyển trong cục diện thế giới, trên mọi mặt.
Hiển nhiên, các nan đề cơ bản của Việt Nam đều chịu ảnh hưởng của tác động hỗn hợp của 4 chấn động đó.
Ở trên, khi tôi nói đến tương quan lực lượng và quyền lợi của các Đại cường trong vấn đề Hoàng sa và Trường sa, tôi đã không nêu ra một nhân tố tối quan trọng đối với chúng ta. Dĩ nhiên đó là quyền lợi của dân tộc Việt Nam

TK : Chắc chắn là quan trọng rồi, vì quyền lợi của ta mà ta không lo thì ai lo thế cho ta !

Quan trọng nhưng không có gì mới lạ. Thật ra nó xưa như … xã hội loài người. Và anh vừa nêu ra một vấn đề then chốt khi anh nói : “ta không lo thì ai lo thế cho ta”, vì nó đề cập đến nan đề đại diện của một dân tộc để lo cho quyền lợi của dân tộc ấy, tức là nan đề của thể chế chánh trị mà một dân tộc chấp nhận để chỉ định đại diện của mình.

TK : Thế thì ta phải xem đâu là quyền lợi của dân tộc Việt Nam trên các vấn đề vừa được nêu ra. Nhưng tôi muốn trở lại vấn đề Hoàng Sa và Trường sa trên một vài khía cạnh ..

CÒN TIẾP....

Thường Kiến nói chuyện với Trần Văn Tòng kỳ 2